Vật liệu để tạo nên một bức tranh khắc gỗ

1. Gỗ để khắc tranh

Nói đến tranh khắc gỗ việc đầu tiên ta phải nói đến gỗ khắc. Gỗ khắc thường là các loại gỗ mực, thị, mít, vàng tâm, mỡ, giổi. Gỗ thị cứng mà dẻo, thường để khắc bản nét cho tinh vi, bền, lâu mòn. Có bản khắc gỗ thị dùng được 150 năm, truyền từ đời ông đến đời cháu, chắt. Gỗ mực (thừng mực, lòng mức) nhẹ, coi như không rõ thớ, mềm, dễ khắc nhưng cũng chóng mòn, dễ mục nên thường để khắc bản mảng. Gỗ mít cũng dễ khắc nhưng hay có mắt gỗ, khó mềm đều nên thường khắc bản mảng. Gỗ vàng tâm có độ chắc trung gian giữa thị và mực, mít, thường làm hoành phi, câu đối nên có thể để khắc cả bản mảng lẫn bản nét.

Vật liệu để tạo nên một bức tranh khắc gỗ 4

(Khuôn in và bản in lên giấy)

Sang thế kỷ XX xuất hiện một số vật liệu mới có thể thay cho gỗ khắc như: Thạch cao, cao su tấm, bìa ép MDF, thậm chí có người còn khắc lên đất sét. Riêng bìa ép MDF ngày càng phổ biến vì rộng bản tối đa mà không phải ghép (1m22 x 2m44), mặt siêu phẳng (Vì là sản phẩm công nghiệp), không có thớ, lại mềm nên rất dễ khắc, nếu khắc hỏng thì dễ dán, vá lại. Hiện giờ (2016) khoảng 80% họa sĩ tranh khắc VN đã khắc lên ván MDF. Thạch cao dễ khắc nhưng cũng dễ sứt, vỡ. Cao su tấm khắc được nhưng khó kiếm. Khắc đất sét là sở thích riêng của họa sĩ Tấn Cứ, làm khi đất ướt nên nét và mảng rất uyển chuyển…

Các loại đục làm khuôn in khắc gỗ 3

(Các loại đục làm khuôn in khắc gỗ)

2. Giấy in tranh khắc gỗ

Giấy để in tranh khắc gỗ phổ biến nhất là giấy dó, giấy bản do các làng nghề truyền thống như Bưởi, Đống Cao… sản xuất. Giấy dó làm từ vỏ cây dó nên dai mà dịu. Sang đầu TK XXI nguồn cây dó sa sút và hiếm dần nên đang có xu hướng thay bằng bột vỏ cây dướng hoặc cây tre (Trúc chỉ). Riêng làng tranh Đông Hồ còn phát minh ra loại giấy điệp bằng cách quét bột nghiền từ vỏ sò điệp trộn hồ nếp lên giấy dó, tạo ra nền tranh có thớ lấp lánh và nếu được quét màu (đỏ, vàng, cam, cánh sen, xanh …) thì rất rực rỡ. Trước kia có lúc các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng nhập giấy từ TQ nay các loại giấy này ta sản xuất được. Với loại tranh khắc bỏ nét, để lại mảng thì người ta in lên giấy mã quét màu đen. Với cách in màu sơn dầu thì người ta dùng giấy croquis dày và xốp. Đôi khi có người in tranh lên giấy báo, giấy Việt Trì nhưng khó đẹp bằng giấy dó.

3. Đục khắc

Đục dùng khắc tranh dân gian xưa là các mũi thép (không có cán) gọi là ve, có 4 kiểu chính: Móng có lưỡi cong lòng máng rõ rệt, Thoảng có lưỡi chỉ hơi cong lòng máng, Thẳng có lưỡi phẳng, Dãy nền có lưỡi lòng máng nhưng thân ve cong để dễ đào, dũi sâu xuống gỗ. Để cho nét khắc tinh vi, người ta dùng thêm dao trổ có đầu vát nhọn và mài sắc. Thời hiện đại có bộ dao đục có cán với 4 kiểu chính: Chữ V để khắc các nét nhỏ, mảnh, nét, Lòng máng gần giống đục móng nhưng nhỏ hơn và nhiều cỡ hơn, Lòng máng chữ U để khi khắc có thể lượn dễ hơn, Dao trổ có cán để tỉa cho sắc nét.

Các loại đục làm khuôn in khắc gỗ 2

(Kỹ thuật khắc gỗ)

4. Màu và mực in

Đông Hồ dùng màu dân gian tự chế gọi là thuốc cái, gồm: Đen từ than rơm nếp hay than lá tre, ngâm nước ủ kỹ cho đen quánh. Trắng điệp do làng Đạo Tú (Sát làng Hồ) sản xuất bằng cách nghiền từ các cồn sò điệp cổ đại nên trắng lấp lánh. Vàng từ hoa hòe hay hạt dành dành, sao và sắc kiểu thuốc Bắc. Đỏ vang nấu từ gỗ cây vang trên rừng. Đỏ son lấy từ đá ong non, lọc và giã, nghiền mịn. Xanh chàm từ lá chàm miền núi. Tím lấy từ mực tím. Xanh cổ vịt lấy từ gỉ đồng.

Vật liệu để tạo nên một bức tranh khắc gỗ 1

(Họa sĩ Trần Nguyên Đán ở phố Khương Trung – Hà Nội)

Kim Hoàng cũng dùng màu đen mực nho nhưng trắng thì ngâm phấn thạch cao pha keo da trâu, các màu khác trộn phẩm vào keo. Hiện đại dùng: Bột màu hoặc các loại mực in (hiện có cả mực gốc dầu và gốc nước) sản xuất công nghiệp, chổi quét điệp gọi là thét bện từ lá thông, khi quét tạo thành sớ suôn đều song song, chất kết dính gồm hồ nếp, keo da trâu.

Để tạo ra được một bức tranh khắc gỗ đẹp phải trải qua nhiều khâu và quá trình khác nhau. Vậy nên mỗi bức tranh khắc gỗ tạo ra đều là một tác phẩm nghệ thuật giá trị. Nếu bạn đang sở hứu một bức tranh khác cho riêng mình, hãy trân trọng nó nhé!

Cảm ơn bạn đã yêu quý dòng tranh này!