Kỹ thuật in trong tranh khắc gỗ Việt

Tranh khắc gỗ Đông Hồ in tất cả các bản màu và nét (tối đa đến 5 bản phải in vì mỗi màu 1 bản khắc để không lẫn các màu với nhau). Dòng tranh này in ván sấp: Lắp quai kiểu quai va li (Gọi là tay cò) vào sau ván khắc rồi cầm dập xuống cái bìa (Gồm một khung gỗ bọc vải, độn bòng bong, lá chuối khô) đã quét đẫm màu. Sau khi mặt có nét khắc đã thấm đủ màu thì ấn ván khắc xuống tập giấy in như kiểu in con dấu rồi lật ngửa ván có dính theo tờ giấy lên. Xoa đều xơ mướp vào mặt sau tờ giấy cho màu in rõ lên giấy. Cuối cùng bóc tờ điệp ra, phơi khô. Để lấy may, bao giờ người Đông Hồ cũng in màu đỏ trước tiên và nét sau cùng. Mỗi lần in chỉ được 1 màu và cả nhà có thể in theo dây chuyền cho đến khi ra thành phẩm. Để khớp các bản màu và nét, người ta căn các điểm cữ với dấu đầu tăm ở tất cả các lần in sao cho khỏi chệch. Nền điệp của tranh khắc gỗ Đông Hồ là thuần Việt bởi các dòng tranh dân gian TQ không có nền này.

Kỹ thuật in trong tranh khắc gỗ Việt 1

(Tranh khắc gỗ – in độc bản)

Tranh khắc gỗ Hàng Trống và Làng Sình chỉ khắc và in mỗi tranh 1 bản nét đen, khi in ngửa ván, phết mực rồi trải tờ giấy lên trên, sau đó bóc giấy ra, tô tay (cản màu) bằng phẩm màu (đun nóng để màu bền, khỏi bay). Tranh thờ miền núi cũng in như vậy, chỉ có khác là màu tô có khi dùng các màu lấy từ thiên nhiên.

Tranh khắc gỗ  Kim Hoàng cũng chỉ có 1 bản khắc in nét đen nên in làm 2 lần: lần đầu in nhá để lấy cữ tô màu bằng bút, tạo các mảng màu khá ngẫu hứng, sau đó mới in lại bản nét cho thật rõ lên trên. Nền tranh Kim Hoàng bao giờ cũng phết sẵn màu đỏ nên gọi là dòng tranh Đỏ.