Nguồn gốc và niên đại của tranh gắc gỗ Việt Nam

Tranh khắc gỗ Việt Nam có nguồn gốc từ xa xưa. Sử sách từng cho biết vào thời Lý (1009 – 1225) dân ta đã có nghề khắc ván in kinh Phật, rất có thể người ta còn khắc cả các hình minh họa kèm theo trên ván nữa… Năm 1396, Hồ Quý Ly cho phát hành loại tiền giấy Thông bảo hội sao mà chắc chắn phải dùng các ván gỗ để khắc và in cả chữ lẫn hình trang trí (chỉ tiếc ngày nay ta không thể biết hình ảnh của loại tiền giấy này ra sao). Cuộc xâm lược của giặc Minh (1407- 1427) đã tàn phá đất nước ta, một số ngành nghề bị tuyệt diệt, sau đó dân ta lại phải tìm cách học lại.

Nguồn gốc và niên đại của tranh gắc gỗ Việt Nam 1

Giữa thế kỷ XV, thời Lê sơ, thám hoa Lương Nhữ Hộc (người Hải Dương) đi sứ sang Trung Quốc đã học nghề khắc in trên ván gỗ rồi về truyền dạy lại cho dân 2 làng Hồng Lục- Liễu Chàng quê ông. Ngày nay người ta vẫn thờ ông làm Tổ nghề khắc ván in tranh. Sang các thế kỷ XVI, XVII, XVIII, khi nghệ thuật dân gian Việt Nam vươn tới đỉnh cao thì cũng là lúc các dòng tranh khắc gỗ dân gian ra đời như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… Dù chưa tìm được bằng chứng về văn bản hay ván khắc nhưng đa số các nhà nghiên cứu cho rằng có thể dòng tranh Đông Hồ ra đời sớm nhất, khoảng thế kỷ XVI- XVII, dưới thời Mạc hoặc Lê – Trịnh.

Nguồn gốc và niên đại của tranh gắc gỗ Việt Nam 2

Sau đó 2 dòng tranh Hàng Trống và Kim Hoàng có khả năng ra đời khoảng thế kỷ XVIII. Ở Huế có dòng tranh Làng Sình được đoán định ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Dòng tranh khắc in Đồ thế ở Nam Bộ có lẽ ra đời muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ XIX. Ít được nghiên cứu nhất là dòng Tranh thờ miền núi Việt Bắc của thày cúng các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Giáy, Sán Dìu… với các tranh vẽ tay xen lẫn tranh khắc in nhưng đại thể dòng tranh này cũng phải xuất hiện chậm nhất vào thời Lê-Trịnh (thế kỷ XVII- XVIII). Dù không được coi như một dòng tranh dân gian nhưng loại tranh khắc in gọi là Thập vật trong kho của các chùa Việt cũng rất hấp dẫn, có khả năng ra đời từ thời Lê- Trịnh (thế kỷ XVII- XVIII).

Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 đánh dấu một cột mốc quan trọng: sự chuyển biến từ tranh khắc gỗ dân gian sang khắc gỗ hiện đại Việt Nam. Khác với quá khứ, từ đây tranh khắc gỗ bắt đầu có tác giả với các ảnh hưởng phương Tây như bố cục, hình họa, giải phẫu tạo hình, luật xa gần và cách khắc thể hiện cảm xúc qua từng nhát xúc cũng như các loại mầu, mực in được du nhập. Việc tiêu thụ tranh khắc gỗ hiện đại cũng đã khác xa: không bán mua ngoài chợ Tết hay để thờ cúng nữa mà nhằm đáp ứng nhu cầu chơi tranh trong xã hội hiện đại thông qua các gallery và triển lãm.

Tranh khắc gỗ hiện đại bắt đầu được đóng khung treo tường tại phòng khách tư gia cho đến các công sở sang trọng.