Tinh túy truyền thống và niềm tự hào của Mỹ Thuật Việt Nam - Tranh sơn mài nghệ thuật

Khi nhắc đến dòng Tranh Sơn Mài, giới mỹ thuật thế giới liền nghĩ ngay đến mỹ thuật Việt Nam. Danh họa Nguyễn Gia Trí và Phạm Hậu là những người đã tìm tòi nghiên cứu, để phối hợp với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng kết hợp những nguyên tắc vẽ của phương Tây để tạo nên một phong cách, trường phái của hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Họ cũng là những nhân vật kiệt xuất trong danh sách các họa sĩ được đánh giá là những trụ cột đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Lịch sử phát triển của nghề sơn mài

Tranh Sơn Mài: của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm: “Dân làng”. Họa sĩ: Phạm Hậu., Năm 1934 

Sơn mài: Là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Dựa vào các hiện vật khảo cổ thì các vật dụng có sử dụng chất liệu sơn đã có ở nước ta vào khoảng 2.500 năm trước. Sơn được trích từ cây sơn, cây sơn mọc nhiều ở vùng trung du Bắc bộ, nhiều nhất là ở Phú Thọ. Người xưa dùng sơn chế từ nhựa cây Sơn (gọi là sơn ta) để phủ lên các vật dụng hoặc đồ thờ cúng bằng gỗ, gốm… nhằm làm tăng thêm độ bền và sau đó phát triển dần sang tranh trang trí, vẽ thêm một số những đường nét, hoa văn, cảnh quan thiên nhiên để tạo thêm sự độc đáo cho sản phẩm.

“Phong cảnh trung du Bắc Bộ“, Tác giả: Phạm Hậu. 1940-1945, sơn mài trên gỗ, gồm 8 tấm, kích thước mỗi tấm 124,5cm x 33cm.

Nghề sơn truyền thống chỉ giới hạn bởi các màu nền đen, đỏ sen, nâu cánh gián và các hoạ tiết vàng, bạc. Các nghệ nhân làm nghề sơn gọi là nghề ”sơn son thiếp vàng”. Khoảng năm 1930 các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương như Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí… đã phối hợp với nghệ nhân Đinh Văn Thành tiến hành thử nghiệm, đưa kỹ thuật sơn son thếp vàng vào làm tranh nghệ thuật. Thuật ngữ ”Sơn mài” và ”tranh Sơn mài” có từ đó.

Tấm bình phong phong cảnh rất nổi tiếng của danh họa Nguyễn Gia Trí: “Dọc mùng“. Chất liệu: sơn mài, KT: 160x400cm, năm 1939 

Ngoài trình độ nghệ thuật, hoạ sĩ sơn mài phải có một trình độ kỹ thuật rất cao. Qua nhiều lần vẽ, hong khô, mài phẳng. Sau khi định hình tác phẩm, bức tranh được phủ lên một lớp sơn sau cùng, hong khô (ủ kín) và mài để màu sắc hiện ra. Mài xong, dùng tay xoa bột than để mặt tranh bóng dần. Thời gian thực hiện một tác phẩm có kích thước nhỏ, đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng, vài năm.

Năm 1925, trong một buổi làm việc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, họa sỹ người Pháp Josehp Inguimberty đã ngẩn ngơ trước nét đẹp của các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng lâu đời. Ông  đã đề xuất ngay với thầy Victor Tardieu, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương Hà Nội, nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để đưa chất liệu sơn ta vào chương trình nghiên cứu và thực tập. Từ đó, chất liệu sơn mài liên tục được sáng tạo thêm, từ hai màu truyền thống là cánh gián đỏ và đen, sau này có thêm các vật liệu màu như vàng, bạc, son, then, vỏ trứng, vỏ trai v.v..

“Thiếu nữ trong vườn“, KT: 160 x 400 cm, Tác giả: Nguyễn Gia Trí, Chất liệu: sơn mài

Sơn mài là ưu điểm độc đáo của Mỹ thuật Việt Nam, là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của lớp nghệ sĩ đàn anh đã đưa nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, từ dùng để gọi sơn mài thường được hiểu sang các đồ dùng sơn mỹ nghệ của Nhật, Trung Quốc. Thật ra, kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài và tranh sơn mài Việt Nam.

Vẽ tranh sơn mài có những nguyên tắc “ngược đời”: muốn lớp sơn vừa vẽ nhanh khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Hầu hết họa sĩ đồng ý rằng kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.

“Hoa sen“. Tác giả: Phạm Hậu.

 

Các họa sĩ tiên phong (cây đa cây đề) trong nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam

Góp công lớn cho việc đưa sơn mài phát triển lên cao như ngày nay, phải kể đến những họa sĩ đàn anh đi trước như Phạm Hậu và Nguyễn Gia Trí. Họ là những người dẫn đầu thời kỳ cực thịnh của tranh sơn mài (1938-1944) với những tác phẩm tiêu biểu như “Dân làng” (1934), “Phong cảnh trung du Bắc Bộ” (1940-1945).

Nói về họa sĩ Nguyễn Gia Trí, những tác phẩm sơn mài của ông rất đẹp khi chạm mắt, còn tranh của họa sĩ Phạm Hậu thì hàm chứa nội tâm sâu sắc, thuần túy và mang nhiều tính truyền thống hơn. Đây cũng là cái tinh túy được thể hiện trong mỗi tác phẩm của danh họa Phạm Hậu.

“Chùa Thầy“, Tác giả: Phạm Hậu. Năm 1934. Chất liệu: sơn mài trên gỗ, gồm sáu tấm, kích thước mỗi tấm 104cm x34cm

Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương chính là người đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre, v.v. và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ thời điểm đó. 

Trên thực tế, từ năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã để ý đến chất liệu sơn mài và đã mời nghệ nhân Đinh Văn Thành ở làng nghề sơn mài Hạ Thái đến hướng dẫn cách dùng màu sơn ta. Nhưng họ chỉ coi đó là kỹ thuật làm hàng mỹ nghệ chứ không phải là nghệ thuật. Đó là lý do vì sao Danh họa Nguyễn Gia Trí đã rời bỏ trường để đi tìm một kỹ thuật mới cho phát triển nghệ thuật sơn mài. Sau hai năm, nghe lời khuyên từ bạn bè Nguyễn Gia Trí mới quay trở lại trường học tiếp với sinh viên khóa VII, tính ra thì ông phải mất đến mười mấy năm mới có được tấm bằng danh giá của Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Bù lại ông đã vẽ rất nhiều tác phẩm tranh sơn dầu và tranh sơn mài; và trở nên nổi tiếng với các tác phẩm của mình.

 

Họa sĩ Tô Ngọc Vân đánh giá: “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí, lối vẽ sơn ta không còn là một sản phẩm mỹ nghệ thông thường nữa. Ở trong tâm hồn người làm ra, nó đã được nâng lên hàng mỹ thuật thượng đẳng”.

Đương thời, tranh của Nguyễn Gia Trí và Phạm Hậu được  rất nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước đặt mua. Nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm đặt mua tranh từ khi ông mới chỉ là ý tưởng hoặc phác thảo sơ qua của tác phẩm. Tuy nhiên, ông là người khó tính, rất khắt khe với nghề do đó ông sáng tác không được nhiều. Những họa sỹ cùng thời với ông đều nói rằng: ít khi nào Trí thỏa mãn với một tác phẩm của mình, mỗi tác phẩm ông đều dành nhiều thời gian và tâm huyết để làm, nếu không được, ông làm đi làm lại cho đến khi nào thấy ưng mới thôi.

Năm 2013, tranh của Nguyễn Gia Trí được công nhận là Bảo vật của quốc gia. Hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn.Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển của dòng tranh sơn mài, mỹ thuật và sơn mài của Việt Nam đã trở thành một nét văn hóa nghệ thuật truyền thống rất riêng của nghệ thuật Việt và được quốc tế đón nhận. Nhiều những tác phẩm sơn mài trong thế kỷ XX đã trở thành tài sản văn hóa chung của nhân loại.

“Cá vàng ba đuôi“. Tác giả: Pham Hậu (1903-1995). Chất liệu: Sơn mài

Các công đoạn chính của kỹ thuật sơn mài

Có thể nói công nghệ sơn mài chỉ theo một nguyên tắc chung; nhưng khác biệt khá lớn trong kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cá nhân, từng gia đình. Ngoài ra nó được biến đổi trong kỹ thuật để phục vụ cho các mục đích khác nhau: làm tranh, làm tượng, làm trang trí đồ vật, sơn phủ hoàng kim…Kỹ thuật sơn mài có ba công đoạn chính: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.

- Bó hom vóc: là thuật ngữ chuyên ngành. Việc hom bó cốt gỗ đồ vật cần sơn ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền vững hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa – ngày nay người thợ có thể dùng bột đá trộn sơn – giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Sau đó phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc.

Vóc là ván gỗ hoặc ván ép được sơn nhiều lần và bọc nhiều lớp vải, ủ khô và mài phẳng. Quy trình- thực hiện một tấm vóc gồm nhiều công đoạn tỉ mỉ, phức tạp mất khoảng 20 đến 30 ngày với số lần sơn và bó vải từ 8 đến 10 lần. Vóc thường do thợ sơn lành nghề thực hiện. Tranh vẽ trên nền vóc gọi là tranh sơn mài. Hoạ sĩ dùng sơn ta để trộn các loại bột màu, phối hợp với các loại vàng, bạc, vỏ trứng… để thực hiện tác phẩm. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có thể có tuổi thọ đến 400-500 năm.

- Trang trí: Khi có được tấm vóc nói trên hoặc các mô hình chạm khắc bình hoa, hay các bộ đồ vật khác, người chế tác các món đồ trước tiên phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến dùng màu.

Với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối… người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi bay các nguyên vật liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, và tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt.

- Mài và đánh bóng: Vì dầu bóng đã được pha trộn với màu để vẽ, tạo nên độ bóng chìm trong cốt màu và tạo thành độ sâu thẳm của tác phẩm, do đó sau mỗi lần vẽ lại phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy ráp. Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế cho phương pháp thủ công này vì tranh sơn mài không được phép phủ dầu bóng. Đó chính là điểm độc đáo của tranh sơn mài. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng. Có một số vật liệu truyền thống dùng để mài và đánh bóng, như: than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà v.v..

Sơn mài tuy gia nhập thị trường hơi muộn nhưng rất nhanh đã khẳng định giá trị của mình

Sơn ta còn được gọi là sơn sống, là mặt hàng trước đây đã được tỉnh Phú Thọ sản xuất rất nhiều để bán sang các thị trường Trung quốc và Nhật Bản. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng của sơn ta cũng giống như sơn Tàu và sơn Nhật chỉ nhằm phủ lên đồ vật làm tôn vẻ lộng lẫy cho những vật dụng thường ngày như cái khay, cái tráp, đôi guốc, đồ thờ như hương án dài, bát đĩa, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong… với những màu sắc truyền thống, đại thể chỉ có: son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc; chỉ có tác dụng trang trí đồ vật.

Từ sự tìm tòi phát triển của các họa sĩ tiên phong phá bỏ sơn ta để chuyển hẳn sang sơn mài, sơn ta đã thoát ra khỏi cái vỏ kìm hãm và tiến bước trên con đường bao la của sáng tác nghệ thuật. tiến đến những phương trời xa lạ. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên thành bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc nhằm tô vẽ cho đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt tâm hồn người nghệ sĩ.